Mô tả

Bắp cải hay cải bắp là loại rau có nhiều lớp lá dày cuộn quanh cuống. Tùy vào từng loại bắp cải khác nhau mà lá của nó sẽ cuộn chặt hoặc rời nhau; lá nhẵn, phẳng hoặc có nhiều nếp gấp và hơi cong. Lớp lá ngoài của bắp cải thường có màu xanh lá đậm hơn những lá ở bên trong.

Các giống bắp cải

Bắp cải xanh

Bắp cải xanh là loại bắp cải thường gặp nhất, nó có các lớp lá mỏng cuộn chặt, đầu tròn, cầm chắc tay. Các lớp lá bên ngoài có màu từ xanh nhạt đến xanh đậm, còn những lớp lá bên trong lại có màu trắng và xanh nhạt. Rau bắp cải xanh có vị dịu và mát.

Bắp cải tím

Bắp cải tím tròn, cứng, có các lớp lá cứng và cuộn chặt. Vị của loại bắp cải này dịu và ngọt hơn các loại bắp cải khác, và thường được dùng để làm tăng màu sắc trong các món salad, salad bắp cải và các món xào. Lá bắp cải tím thường cứng hơn lá bắp cải xanh do thời gian trồng lâu hơn. Bắp cải tím được trồng quanh năm.

Cải Xa-voa (bắp cải có lá xoăn)

Cải Xa-voa trông giống bắp cải xanh, nhưng phần đầu lá xoăn và có màu xanh lá đậm rồi nhạt dần. Lá cải Xa-voa mềm, có vị dịu và ngọt hơn bắp cải xanh. Bắp cải Xa-voa được coi là một trong những loại bắp cải ngon nhất, tuy nhiên loại cải này chỉ xuất hiện theo mùa.

Cải bruxen - một loại bắp cải nhỏ

Cải bruxen nhỏ hơn các loại bắp cải khác, có các lớp lá cuốn chặt, cầm nặng tay và đường kính thường không quá 5cm. Hình dáng và mùi vị của loại cải này tương tự như bắp cải xanh. Tên cảu loại cải này được đặt theo xuất xứ của nó, đó là thành phố Brussels, Vương quốc Bỉ. Bạn nên chọn những bắp cải bruxen nhỏ, vì như vậy mùi vị sẽ ngon hơn.

Cải thảo

Cải thảo là một loại bắp cải thường gặp, nó có vị dịu mát, giàu vitamin C và được dùng nhiều trong các món salad và các món rau. Phần lớn cải thảo được trồng quanh năm ở châu Á, bang California và đảo Hawaii của Mỹ. Có hai loại cải thảo khác nhau, một loại là cải thảo “đầu bếp”, loại còn lại là cải thảo “Chihili”. Cải thảo “đầu bếp” dài và cứng hơn, phần lá ở đầu cải thảo có màu xanh lá. Loại cải thảo này còn có tên gọi khác là “Tokyo giant”, “tropical pride” hoặc “wintertime”. So với cải thảo “đầu bếp” thì loại cải “chihili” có phần đầu lá dài và thuôn và có màu xanh lá đậm hơn. Cả hai loại cải thảo này đều có tên gọi chung là “market pride”, “michihili” hoặc “shaho tsai”. Cả hai loại cải thảo này đều có lá lớn hơn các loại bắp cải hoặc rau diếp khác.

Cải thảo được trồng quanh năm và bạn có thể mua chúng tại bất kỳ cửa hàng thực phẩm hoặc chợ đầu mối nào. Cải thảo có nhiều tên gọi khác như “bắp cải Trung Quốc”, “cải thìa”, “bắp cải Bắc Kinh”, “bắp cải tientsin”, “hakusai”, “pe tsai” hoặc “wong bok”.

Giá trị dinh dưỡng của bắp cải

Bắp cải là nguồn cung cấp dồi dào các chất dinh dưỡng, chất xơ hòa tan và không hòa tan. Khi được nấu chín, bắp cải có vị hơi hăng. Thành phần dinh dưỡng có trong 100g bắp cải: 

  • Carbohydrate: 5,16g
  • Protein: 1,14g
  • Chất béo: 0,09g
  • Chất xơ: 2,5mg
  • Năng lượng: 22kcal
  • Axit folic: 38mcg
  • Vitamin B3: 0,234mg
  • Vitamin A: 98IU
  • Vitamin C: 32,6mg
  • Vitamin K: 69mcg
  • Natri: 16mg
  • Kali: 151mg
  • Canxi: 36mg
  • Sắt: 0,42mg
  • Magie: 11mg
  • Phốt pho: 23mg
  • Kẽm: 0,16mg
  • Những lợi ích của bắp cải đối với sức khỏe

    Giảm các dấu hiệu lão hóa

    Bắp cải và các loại rau họ cải khác chứa một lượng lớn vitamin C và E, giúp sản xuất collagen, hợp chất giữ cho da luôn đàn hồi và không có nếp nhăn. Ngoài ra, vitamin A và D còn giúp bảo vệ da, mang lại cho bạn làn da trẻ trung, căng bóng và sáng mịn.

    Chống lại các gốc tự do

    Bạn sẽ nhận được một lượng chất chống oxy hóa như vitamin C và mangan khi tiêu thụ loại rau họ cải này. Thế nhưng bắp cải thực sự tỏa sáng khi là nguồn cung “dưỡng chất thực vật” gọi là phytonutrients – một lực lượng bảo vệ tế bào khỏi những tổn thương do các gốc tự do gây ra.

    Chữa lành vết thương

    Lá bắp cải cũng thường được sử dụng làm thuốc đắp để điều trị mụn trứng cá, bệnh vảy nến, bệnh chàm, vết loét, vết thương, vết côn trùng cắn và phát ban. Bạn có thể nghiền lá bắp cải và thoa trực tiếp lên vùng da bị thương, bạn sẽ thấy các vết thương hồi phục nhanh chóng.

    Tốt cho làn da

    Ngoài việc chống lại các vấn đề lão hóa, một trong những lợi ích của bắp cải ít người biết đến là tác dụng điều trị mụn trứng cá và các bệnh về da khác. Bạn có thể dùng lá bắp cải đắp lên những khu vực da bị mụn và để qua đêm, bạn sẽ thấy kết quả bất ngờ đấy. Ngoài ra, trong bắp cải còn có chứa kali và vitamin A, rất tốt làn da.

    Chống viêm, giảm dị ứng

    Cải bắp và các loại rau họ cải khác có đặc tính chống viêm. Những loại rau củ này đều rất giàu sulforaphane và glutamine, những chất chống viêm mạnh mẽ. Thường xuyên ăn bắp cải sẽ giúp giúp bảo vệ bạn khỏi các vấn đề sức khỏe liên quan đến viêm như ung thư, bệnh tim, đái tháo đường và bệnh Alzheimer.

    Ngăn ngừa ung thư

    Một số nghiên cứu cho thấy rằng ăn nhiều bắp cải có thể giúp ngăn ngừa một số loại ung thư. Nguyên nhân là do trong bắp cải có chứa một lượng lớn glucosinolates – chất hóa học có chứa lưu huỳnh đặc biệt giúp loại bỏ các gốc tự do có hại cho sức khỏe. Ngoài bắp cải, một số loại rau khác cùng họ cũng có tác dụng này là cải xoăn, bông cải xanh, mầm Brussels, súp lơ trắng…

    Tốt cho hệ tiêu hóa

    1g chất xơ trong bắp cải sản sinh ra 10 calo. Chất xơ giúp lấp đầy dạ dày, vì vậy làm bạn ăn ít hơn. Nó có thể giúp giảm cholesterol xấu (LDL) và kiểm soát lượng đường trong máu. Bắp cải cũng có chất dinh dưỡng giữ cho niêm mạc dạ dày và ruột của bạn khỏe mạnh, giúp ngăn ngừa táo bón và các rối loạn tiêu hóa khác.

    Hỗ trợ giảm cân

    Bắp cải chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết mà cơ thể cần nhưng hầu như không chứa calo hoặc chất béo, do đó đây là sự lựa chọn hoàn hảo cho những người đang ăn kiêng, giảm cân. Nếu bạn không thích ăn bắp cải dưới dạng rau sống hay nấu chín, bạn có thể uống nước ép bắp cải.

    Bảo vệ mắt

    Vitamin A có trong bắp cải là một chất dinh dưỡng rất tốt mắt. Ngoài vitamin A, beta-carotene, một chất chống oxy hóa có trong bắp cải cũng rất hữu ích trong việc ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng và trì hoãn sự khởi phát của đục thủy tinh thể.

    Tốt cho tóc

    Bắp cải có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết giúp duy trì mái tóc khỏe mạnh và ngăn rụng tóc. Ngoài ra, loại rau củ này cũng có tác dụng ngăn ngừa tóc khô. Đặc biệt, vitamin C có trong bắp cải rất cần thiết cho việc sản xuất protein keratin, một chất tạo nên tóc và móng trong cơ thể.

    Cải thiện sức khỏe tim mạch

    Bắp cải, đặc biệt là bắp cải tím, có thể làm tăng mức độ beta-carotene, lutein và các chất chống oxy hóa để bảo vệ tim. Ngoài ra, bắp cải cũng giúp hạ thấp oxy hóa cholesterol xấu (LDL), có liên quan đến xơ cứng động mạch. Không những vậy, trong cải bắp còn chứa nhiều kali và canxi, những dưỡng chất cần thiết cho hoạt động của tim.

    Tốt cho não

    Loại rau họ cải này cũng được xem là thực phẩm “vàng” dành cho não. Vitamin K và anthocyanin có trong bắp cải có tác dụng tăng sức mạnh tinh thần và sự tập trung. Ngoài ra, vitamin K cũng đóng vai trò rất quan trọng để bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi bị hư hại và ngăn ngừa các bệnh thoái hóa. Bắp cải cũng là một rất giàu iốt, một chất dinh dưỡng cần thiết cho não.

    Giúp xương chắc khỏe

    Cải bắp chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết để xây dựng xương chắc khỏe. Canxi, magiê và kali, tất cả đều cần thiết cho sức khỏe của xương. Chính vì vậy, ăn loại rau này thường xuyên được xem là một trong những biện pháp đơn giản nhất để ngăn ngừa loãng xương.

    Điều hòa huyết áp

    Bắp cải chứa một lượng lớn chất anthocyanin, có tác dụng giảm huyết áp. Việc ăn cải bắp thường xuyên giúp duy trì huyết áp ổn định và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

    Tốt cho người bị đái tháo đường

    Chất kali có trong bắp cải không chỉ tốt cho việc hạ huyết áp mà còn giúp duy trì lượng đường trong máu. Nó cũng cải thiện tinh thần bằng cách giảm căng thẳng và lo lắng.

    Tốt cho bà bầu

    Bắp cải rất giàu axit folic, một chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng trong giai đoạn phát triển ban đầu của thai nhi. Phụ nữ mang thai bị thiếu axit folic có thể khiến bé bị dị tật ống thần kinh và các khuyết tật bẩm sinh khác. Tuy nhiên, bạn không nên ăn sống hoặc chưa nấu chín bởi trong loại rau này có chứa nhiều vi khuẩn có thể dẫn đến sinh non hoặc thậm chí sảy thai.

    Tăng cường miễn dịch

    Do giàu vitamin C và chất chống oxy hóa, bắp cải giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài ra, nó cũng giúp hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh.

    Điều trị viêm loét dạ dày

    Sự hiện diện của các hợp chất chống viêm như glucosinolates trong loại rau ăn lá này có thể giúp giảm viêm loét dạ dày. Nước ép cải bắp cũng là phương thuốc dùng để khắc phục các vết viêm loét trong niêm mạc dạ dày và tăng tốc quá trình hồi phục.

    Trồng và chăm sóc

    Chuẩn bị dụng cụ trồng

    Bạn có thể trồng trong chậu hoặc thùng xốp tuỳ ý. Có thể tận dụng bất kỳ vật chứa gì miễn là có độ cao từ 15cm trở lên để đảm bảo không gian cho rễ phát triển. Lưu ý là nhớ đục lỗ thoát nước.

    Chuẩn bị đất trồng

    Đất trồng cần phải tươi xốp và nhiều dinh dưỡng.

    Giống

    Chọn mua hạt giống bắp cải ở các cửa hàng uy tín, những hạt tròn to, đều để tỷ lệ nảy mầm cao, hoặc có thể chọn mua những cây giống cứng cáp.

    Ươm hạt

    Bỏ đất vào chậu hay thùng xốp, hoặc có thể gieo hạt ở khay giống. Sau đó rải hạt giống đã chuẩn bị đều lên đất, sau đó dùng tay để đất phủ kín hạt. Trong thời gian này, bạn nên chú ý thường xuyên tưới nước cho cây, khoảng 8-10 ngày sau, hạt giống sẽ tự nảy mầm.

    Hạt cải bắp nảy mầm tốt nhất ở nhiệt độ 18-20 độ C. Cây phát triển thuận lợi nhất ở 15-18 độ C. Một tuần sau khi gieo cây đã cao 5cm với hai lá mầm xinh xinh. 

    Trồng cây con và chăm sóc

    Sau 2-3 tuần, cây con bắt đầu ra lá thật, khi cây có từ 4-6 lá thật, bạn hãy khéo léo đánh cây từ khay trồng hạt giống ra trồng trong chậu hoặc thùng xốp. Chú ý: nên chọn những cây con khỏe mạnh, mập mạp, cứng cáp để đạt chất lượng tốt nhất.

    Đặc biệt, trước khi đưa cây con sang môi trường đất mới bạn nên chuẩn bị đất trồng kĩ càng. Bón lót cho chúng ít phân hữu cơ để những cây con khỏe mạnh nhanh lớn hơn.

    Sau khi trồng, tưới đẫm nước. Dùng một bình tưới hoặc vòi tưới nước cho cây thường xuyên (trừ hôm trời mưa) cho đến khi hồi xanh. Khi thời tiết ấm áp, cây có thể cần nhiều nước hơn. Sau đó, có thể 5 - 7 ngày tưới 1 lần. Có thể kết hợp với bón thúc bằng phân nước hay phân đạm hòa tan.

    Tốt nhất nên trồng cây dưới ánh sáng mặt trời đầy đủ, nhưng ngay cả trong điều kiện ít nắng hơn, bắp cải vẫn có thể lớn được. Độ sâu của cây trong đất ngang bằng với lớp lá ngoài cùng.

    Sau 40-50 ngày tuổi, cây bắp cải sẽ đạt chiều cao khoảng 20cm, đây là lúc cây cần tưới nước và làm sạch cỏ dại xung quanh. Bạn nên tạo lớp phủ cho cây để duy trì độ ẩm cũng nhưng đảm bảo cho việc cỏ dại không thể chiếm chỗ cây bắp cải của bạn bằng cách sử dụng rơm hoặc cành cây phủ lên khu vực xung quanh.

    Từ ngày thứ 45-50 cây bắt đầu cuốn bắp, việc còn lại là cung cấp đầy đủ nước để cây phát triển và chờ đến ngày thu hoạch. Lưu ý bạn nên cắt bỏ những phần lá già đã ngả màu ở dưới.

    Phòng trừ sâu bệnh

    Giai đoạn bắp cải cuộn lá thường có rất nhiều sâu bệnh, bạn nên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học để diệt.

    Thu hoạch và bảo quản

    Khi bắp cải trồng được trong khoảng từ 80-90 ngày, bắp cải cuốn chắc tay, cũng là thời điểm để bạn không những tự trồng bắp cải mà còn tự tay thu hoạch được thành quả. Nên thu hoạch chúng vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều tối trong ngày.

    Bạn nên chặt cao, sát thân bắp để dễ thu và xử lý bắp cải. Loại bỏ lá ngoài, lá xanh trên bắp, rửa kỹ bằng nước sạch, để ráo. Sau thu hoạch nếu bảo quản cẩn thận, bạn hoàn toàn có thể giữ chúng tươi ngon trong khoảng 2 tuần.


    Nguồn: Tổng hợp.
    Lưu ý rằng thông tin tổng hợp này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi tuyệt đối không chịu bất cứ trách nhiệm nào do việc tự ý áp dụng các thông tin trên gây ra. Hãy luôn tham khảo ý kiến của những nguời có chuyên môn truớc khi thực hiện.