Thông tin chung

Mô tả

Bạc hà là một loại cây thảo mộc dễ trồng và sinh trưởng. Cây có khá nhiều tác dụng như: ăn sống, làm sa lát, chiết xuất tinh dầu, trang trí đồ uống... Cây còn có tác dụng diệt và kháng vi khuẩn mạnh, có thể phòng chống một số bệnh như cảm cúm virus và các vết côn trùng cắn, giúp lợi tiêu hóa, chữa chứng đầy hơi, thấp khớp, nấc cục, thông cổ, trị viêm xoang nhẹ…

Hiện nay, trên thị trường có nhiều giống cây bạc hà khác nhau, các bạn có thể dễ dàng tìm mua.

  • Bạc hà Mentha-piperrita1 (Bạc hà Âu): Chứa nhiều tinh dầu và tên thương phẩm là peppermint oil.
  • Pennyroyal-Mint12: Mùi đặc trưng là mùi hăng. Có hàm lượng tinh dầu dồi dào, tên thương phẩm là pennyroyal oil.
  • Bạc hà Ginger-mint7: được lai tạo giữa hai loài Á là Mentha arvensis và Mentha spicata.
  • Apple mint (Mentha suaveolens) – Bạc hà táo: Có mùi thơm đặc trưng là mùi táo.
  • Chocolate mint: mùi thơm dễ chịu như mùi kẹo Sing gum Double mint.
  • Catmint (bạc hà mèo): có mùi nhẹ nhàng, gây phấn kích ở mèo và được sử dụng trong chế biến món ăn.
  • Mentha longifolia: có hương thơm tinh tế, thường được dùng làm thảo dược, chế biến gia vị.
  • Phân biệt Bạc hà và Húng lủi

    Đầu tiên, cần khẳng định rằng Bạc hà và Húng lủi là 2 loại cây khác nhau. Rất nhiều người nhầm lẫn và cho rằng hai cây này là một.

    Thân cây bạc hà có chiều cao 60-80cm, thân hình vuông, mọc đứng hoặc hơi bò, phân nhánh, màu xanh hoặc tím nhạt có nhiều lông ngắn.

    Về hình dạng lá, cây bạc có lá mọc đối xứng, hình thon dài hoặc hình trứng, dài 3 – 5 cm, rộng 2 – 3 cm, cuống dài 0,5 – 1 cm, mép lá có răng cưa, trên lá có lông tơ nhỏ. Ngoài ra có hoa mọc từ nách lá, màu trắng, tím hoặc hồng nhạt, cánh hoa hình môi. Trong khi đó lá húng lủi nhỏ hơn, không có lông tơ.

    Về mùi vị, Bạc hà có mùi thơm mát, vị cay the, mát lạnh, có mùi giống Sing Gum Double Mint. Còn húng lủi có mùi hương nhẹ, vị hiền hơn chứ không the cay mạnh như bạc hà.

    Trồng và chăm sóc

    Chuẩn bị dụng cụ trồng

    Bạn có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc bất kỳ vật dụng gì có độ cao tầm 10cm trở lên để đảm bảo đủ độ dày đất cho cây phát triển. Luôn nhớ đục lỗ thoát nước để tránh ngập úng.

    Chuẩn bị đất trồng

    Bạc hà ưa đất nhiều màu, ẩm nhưng thoát nước: khô thì rụng lá, úng thì thối lá, chỗ trũng lá phủ kín ẩm quá thì sinh nấm bệnh.

    Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi đất từ 7 - 10 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

    Giống

    Như đã đề cập, hiện nay trên thị trường có rất nhiều giống Bạc hà với các đặc tính khác nhau. Tuỳ vào nhu cầu, sở thích và điều kiện mà chọn mua.

    Trồng bằng thân, cành

    Bạc hà thường được trồng bằng thân hoặc cành. Cành và thân được cắt thành từng đoạn dài từ 10 - 15 cm, phải có từ 3 - 4 mắt.

    Rạch đất thành rãnh sâu tầm 10cm, hàng cách nhau 20cm.

    Nếu trồng bằng cành thì lấp đất để ngọn thò độ 1/3 độ dài cành và ấn chặt gốc, tưới nước. Hoặc dùng thân rễ cắt thành đoạn 8-10cm, đặt vào rãnh nối đuôi nhau, lấp đất ấn chặt, tưới ngay nước để chóng bén rễ.

    Nếu dùng thân rễ cắt thành đoạn 8-10cm, đặt vào rãnh nối đuôi nhau, lấp đất ấn chặt, tưới ngay nước để chóng bén rễ.

    Sau khi trồng, hàng ngày tưới ẩm theo hàng. Sau 5 - 7 ngày đoạn thân mọc thành cây lên khỏi mặt đất.

    Gieo hạt

    Hạt bạc hà rất nhỏ vì vậy không cần ngâm trước khi gieo và khi gieo không phủ đất. Tuy nhiên vẫn nên phủ một lớp mỏng đất đủ che kín hạt giống để đảm bảo tác động của môi trường xung quanh và tỷ lệ nảy mầm cao hơn. Sau đó tưới nhẹ duy trì độ ẩm.

    Hàng ngày tưới nước bằng bình xịt phun sương 2 lần vào sáng và chiều mát. Trong thời gian gieo hạt và cây nảy mầm, các bạn lưu ý để nơi có ít nắng, tránh gió mạnh và mưa. Tránh để những con chuột, chó, mèo… phá. Khi tưới cây các bạn tránh làm cây đổ rạp xuống đất kể cả khi cây trưởng thành.

    Tưới nước

    Bạc hà gặp hạn thì khô cằn, nếu thiếu nước nghiêm trọng thì lá sẽ rụng trụi. Vậy cần phải tưới nước kịp thời.

    Bón phân

    Khi trồng bạc hà được khoảng 15 - 20 ngày, tiến hành bón lót bằng phân hữu cơ, phân dê, phân bò, phân trùn quế… Cứ khoảng 20 - 30 bón 1 lần cho cây.

    Ở giai đoạn cây chưa bò lan ra thì dùng cuốc xới phá váng đất. Nhưng sau khi cây bò rộng ra và thân rễ đã phát triển mạnh thì nhổ cỏ bằng tay và xáo xới ở chỗ đất hở và má luống.

    Phòng trừ sâu bệnh

    Khi cây phân cành nhiều, lá che kín đất, thiếu ánh sáng, ở chỗ trũng độ ẩm chênh lệch nhiều với độ ẩm không khí là cơ hội để bệnh gỉ sắt lan nhanh. Dùng dung dịch Boocđô hoặc hợp tễ Diêm sinh với Vôi phun định kỳ 7 ngày 1 lần để hạn chế bệnh.

    Bệnh thối lá dễ phát hiện. Hễ thấy một đám nhỏ bị nhũn tựa như bị đổ nước nóng vào, thì cũng phòng trừ như trên, hoặc nặng thì nhổ đám cây bị bệnh và rắc vôi bột vào.

    Vào tháng 1-2-3, để phòng sâu xám cắn ngang cây khi mầm lá mới mọc: dùng thuốc trừ sâu trộn với đất bột và cỏ non rắc lên trên mặt luống vào chiều tối để đêm sâu ra ăn sẽ chết. Sâu ít thì bắt bằng tay.

    Có loại sâu khoang ăn lá rất hại. Cần xử lý kịp thời, dùng thuốc trừ sâu pha loãng phun vào buổi chiều mát, phun liên tục, cách nhau 3 ngày, vài lần thì hết sâu.

    Thu hoạch và bảo quản

    Nếu các bạn trồng chậu và thu hoạch không tập trung thì sau 1 tháng trồng đã có thể thu hoạch. Cắt đoạn thân trên trừa tầm 10cm gốc, sau đó bón thêm phân và tưới nước để cây tái sinh. Khi thấy cây quá già cỗi thì trồng lại cây mới.

    Với việc trồng và thu hoạch tập trung, sau khi trồng khoảng 4-5 tháng, khi thấy khối lượng thân lá cao nhất, hoa nở rộ, thường vào tháng 5-6 thì thu hái lần đầu. Cắt phần thân cành có mang lá là chính, phần còn lại phải cắt bỏ đi để cho mặt luống bằng phẳng, sạch cỏ. Bừa qua để xới sơ đất và vơ sạch cỏ. Bấy giờ lấy số phân còn lại 1/3 đánh tơi rải đều trên mặt luống, hót đất phủ lên, rồi tưới nước để cây tái sinh.

    Sau khoảng 2 tháng thân cành phát triển mạnh, có thể thu hoạch được lần thứ 2; lần thứ 3 thường thu hoạch sau đấy 3 tháng, kỳ này sản lượng giảm sút.


    Nguồn: Tổng hợp.
    Lưu ý rằng thông tin tổng hợp này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi tuyệt đối không chịu bất cứ trách nhiệm nào do việc tự ý áp dụng các thông tin trên gây ra. Hãy luôn tham khảo ý kiến của những nguời có chuyên môn truớc khi thực hiện.