Mô tả

Bầu là cây hằng niên, thân leo quấn, tua cuốn phân nhánh, thân lá phát triển mạnh và có tính sinh nhánh lớn. Bộ rễ rất phát triển, ăn lan rộng, có khả năng ra nhiều rễ bất định ở đốt. Hoa thụ phấn nhờ gió và côn trùng. Trái có hình dạng và kích thước rất thay đổi, thường là hình trụ, dài 50 - 100 cm, khi già vỏ trái hóa gổ, bầu ưa nhiệt độ cao từ 20-30 độ C và cường độ ánh sáng mạnh, vì vậy là rau vụ hè.

Các giống trên thị trường

Hiện nay, có nhiều giống bầu nhưng chủ yếu có 4 loại: bầu thước, bầu sao, bầu trắng và bầu thúng. Tuy nhiên, ở phía Bắc, người dân nên trồng bầu sao bởi loại này cho năng suất cao và thu nhập ổn định. Bầu trồng được quanh năm, mùa nắng cho trái nhiều hơn mùa mưa. Bầu phát triển thuận lợi khi gieo trồng từ tháng 11 đến tháng 1 dương lịch. Hạt bầu cần nhiệt độ cao và ẩm độ đầy đủ để nẩy mầm.

Thành phần dinh duỡng

Quả bầu có rất nhiều giá trị dinh dưỡng, các thành phần quan trọng có trong đó bao gồm: - Nước: 92% - Protid: 0,5% - Glucid: 2,9% - Canxi: 21mg% - Photpho: 25mg% - Sắt: 0,2mg% - Vitamin B1, B2 - Beta-carotene - Vitamin C - Chất xơ

Lợi ích đối với sức khoẻ

Cung cấp đầy đủ lượng nước cơ thể cần

Với hơn 90% là nước, quả bầu hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ lượng nước mà cơ thể cần có. Cơ thể được cung cấp đầy đủ lượng nước sẽ đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, cải thiện hệ tuần hoàn, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn và đào thải độc tố tốt hơn.

Ngăn ngừa các bệnh về tim mạch

Hàm lượng chất xơ hòa tan cao cùng với khoáng chất như kali, natri có trong quả bầu sẽ giúp hệ tim mạch thêm khỏe mạnh hơn. Nó sẽ giúp giảm tối đa lượng cholesterol bám ở thành mạch máu, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ. Ăn bầu hàng ngày hoặc uống một cốc nước ép mỗi ngày sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Ngăn chặn tình trạng tóc bạc sớm

Công dụng của quả bầu trong việc ngăn ngừa tình trạng tóc bạc sớm là khá hữu ích. Quả bầu có chứa nhiều vitamin nhóm B và vitamin C giúp chống oxy hóa, lão hóa tốt. Hơn hết vitamin C còn giúp kích thích sản sinh collagen làm tóc đen bóng trở lại.

Làm thông tiểu, giảm nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Quả bầu là một loại thuốc lợi tiểu tự nhiên đáng sử dụng. Ăn bầu hàng ngày sẽ giúp cơ thể thúc đẩy việc đi vệ sinh thường xuyên để đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Từ đó sẽ tăng khả năng kháng khuẩn, ngăn ngừa vi khuẩn tích tụ trong đường tiết niệu.

Giúp ngủ ngon hơn

Trong quả bầu có chứa một lượng choline nhất định, đây là hoạt chất có tác dụng an thần, ổn định trí não, giảm căng thẳng và trầm cảm. Sử dụng quả bầu thường xuyên sẽ giúp bạn có được một giấc ngủ ngon hơn, sâu và chất lượng.

Hỗ trợ giảm cân hiệu quả

Nước ép từ quả bầu được sử dụng rộng rãi để giảm cân một cách tốt nhất. Trong nước ép có đầy đủ các vitamin như vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin E,... Ngoài ra quả bầu không chứa chất béo, lượng calo vừa phải nên hoàn toàn phù hợp để giảm cân ở phụ nữ. Các chị em nên uống nước ép quả bầu hàng ngày kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả.

Giúp làn da thêm đẹp hơn

Quả bầu có chứa vitamin C, vitamin E và nước,.. Đây là các chất đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa các chất dinh dưỡng, tăng cường trao đổi chất. Từ đó làn da sẽ được thanh tẩy độc tố, trở nên sáng mịn màng hơn.

Trồng và chăm sóc

Chuẩn bị dụng cụ trồng

Bạn có thể trồng trong chậu hoặc thùng xốp. Cũng có thể tận dùng bất kỳ vật chứa nào có thể, ví dụ: xô đựng nước, thùng sơn... Cần đảm bảo độ dày đất từ 30cm trở lên để đảm bảo đủ chỗ cho rễ cây phát triển. Lưu ý là luôn đục lỗ thoát nước đề phòng ngập úng.

Chuẩn bị đất trồng

Bầu trồng đuợc trên rất nhiều loại đất khác nhau, nhưng cần đảm bảo là tơi xốp và thoát nước, giữ ẩm tốt.

Giống

Chọn mua hạt giống ở các cửa hàng uy tín hoặc có thể chọn mua những cây giống cứng cáp.

Ủ hạt

Để tăng tỷ lệ nảy mầm của hạt thì trước khi gieo bạn cần tiến hành ủ hạt. Bạn có thể thực hiện theo những bước sau đây: - Ngâm hạt trong nước ấm từ 40 – 52 độ C từ 2-6 giờ. - Sau đó đưa hạt ra rửa sạch và ủ trong khăn ẩm ấm khoảng 28 – 30 độ C và trong điều kiện độ ẩm 80 – 85%, ít ánh sáng cần đảm bảo luôn duy trì độ ẩm cho hạt. - Sau 24 giờ, lấy hạt ra rửa sạch và giặt khăn ủ bằng nước nóng, vắt bớt nước để ở độ ẩm phù hợp và ủ lại. - Sau 36 – 40 giờ, kiểm tra xem hạt nào nảy mầm thì tiến hành trồng vào trong thùng, chậu mà bạn chuẩn bị. - Nếu hạt chưa nảy mầm thì lại làm như trên rửa sạch và ủ lại với khăn ấm trong tiếp khoảng 12 tiếng.

Trồng

Đặt hạt đã nảy mầm vào các hố sâu tầm 2cm, khoảng cách hố từ 10cm, sau đó phủ 1 lớp đất lên trên hạt. Sau 2 đến 3 ngày thì cây bắt đầu mọc, thường xuyên chăm sóc và tưới nước giữ ẩm cho cây. Giai đoạn này không nên tưới đẫm nước liên tục dễ gây thối hạt.

Tưới nước

Bầu cần nhiều nước, do đó người chăm sóc phải tưới thường xuyên 1 - 2 lần/ngày cho cây đủ ẩm. Lượng nước tưới cần gia tăng khi bầu mang trái. 

Bón phân

Giai đoạn tăng trưởng kéo dài kể từ khi trồng đến khi bầu lên giàn (60 ngày sau khi trồng), người dân cần bón thúc thường xuyên mỗi tuần một lần để chuẩn bị dinh duỡng cho cây ra hoa kết trái. Giai đoạn ra hoa, đậu trái, cây cần được bón thúc nuôi trái 7-10 ngày một lần với lượng phân gia tăng dần để trái to và nhiều trái. Trong suốt thời gian canh tác (130 - 140 ngày) mỗi hốc nên được bón từ 1 - 1,5 kg phân hỗn hợp NPK.

Khi bầu mọc dài được 1m, bà con bắt đầu khoanh dây vòng gốc, lấy đất chặn lên ngay đốt, cách 1 - 2 đốt lại chặn đất để tranh thủ cho bầu ra rễ bất định, tăng khả năng thu hút dinh dưỡng nuôi trái sau này. Trồng được 2 tháng người dân mới nên nương dây cho bầu leo giàn, cần để dây ở thế tự nhiên, không lật úp hay xoắn dây. Nên làm giàn bằng để bầu đủ diện tích bò, bầu vừa lên giàn là có thể trổ hoa đậu trái. Từ 75 - 90 ngày sau khi trồng, bầu bắt đầu cho thu hoạch.

Bầu ra nhiều dây nhánh và mang trái ở dây nhánh. Các dây nhánh ở đoạn thân từ gốc lên đến giàn nên tỉa bỏ để gốc được thoáng. Khi bầu lên giàn, người trồng không nên tỉa để dây nhánh cho trái. Khi đã lấy được trái trên nhánh, người dân nên bấm ngọn để trái phát triển lớn và bầu tiếp tục cho trái ở dây nhánh khác.

Phòng trừ sâu bệnh

Bệnh gây hại cho bầu thường gặp như bệnh héo cây con do nấm Rhizoctonia solani, bệnh khảm do virus, bệnh thán thư do nấm Colletotrichum lagenarium trong mùa mưa và bệnh phấn trắng do nấm Sphaerotheca fuliginea trong mùa khô. Trong thực tế do diện tích trồng ít, giá trị kinh tế của bầu không cao, nông dân có thể không phun ngừa thuốc trị bệnh, chỉ nhổ bỏ cây bệnh hay ngắt bỏ lá bệnh nếu có.

Sâu hại bầu gồm ruồi đục lòn lá (Lyriomyza spp.), rầy mềm (Aphis sp.), bọ rầy dưa (Aulacophora similis). Cần nhanh chóng phun thuốc khi thấy các côn trùng này xuất hiện.

Thu hoạch

Khoảng 10-12 ngày khi ra hoa, thì bầu bắt đầu cho thu hoạch. Người trồng nên thu hoạch khi vỏ trái còn mềm, kích thước phù hợp thì bầu sẽ ngon. Không nên để trái già ăn kém ngon mà còn làm cây mau tàn. Khi trồng bầu sao nếu chăm sóc tốt mỗi cây cho từ 10-15 trái (mỗi trái nặng khoảng 1,4 – 1,6 kg). Với giàn bầu này, bạn sẽ có những nồi canh bầu thơm ngon do chính thương hiệu của mình dành cho gia đình yêu thương mà không cần ra chợ mà lại đảm bảo an toàn.


Nguồn: Tổng hợp Lưu ý rằng thông tin tổng hợp này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi tuyệt đối không chịu bất cứ trách nhiệm nào do việc tự ý áp dụng các thông tin trên gây ra. Hãy luôn tham khảo ý kiến của những nguời có chuyên môn truớc khi thực hiện.